Sáng 3/1, Bộ Giao thông vận tải đã long trọng tổ chức buổi lễ thông xe dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Tham dự buổi lễ có các đại biểu Đảng, Nhà nước Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, lãnh đạo TP.Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, cùng đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan đơn vị của Bộ GTVT.
“Sau hơn 18 tháng triển khai, dự án đã hoàn thành và vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch đề ra. Việc rút ngắn thời gian thi công đã giúp nhà đầu tư tiết giảm gần 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu do dự án tiết kiệm được lãi suất ngân hàng, chi phí dự phòng và trượt giá”, dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lạng Sơn và ngược lại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và TNGT trên QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Chủ tịch HĐQT BOT Bắc Giang Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang có chiều dài 45,8km, điểm đầu tại Km 113+985 QL1 (thuộc địa phận thành phố Bắc Giang), điểm cuối tại Km 159+100 QL1 (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội), theo hình thức hợp đồng BOT là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Với chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa, dự án chính thức khởi động với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.503 tỷ đồng. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự án xây dựng 3 cầu vượt ngang trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ là cầu vượt QL37 (cầu vượt Đình Trám), cầu vượt tỉnh lộ 398, cầu vượt Hùng Vương được thiết kế với quy mô vĩnh cửu...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ GTVT vận tải nói chung đồng thời biểu dương sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị Ban quản lý dự án, Nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công đã chủ động, quyết liệt tổ chức thi công biểu dương các cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp ngày đêm có mặt trên công trường thi công liên tục hoàn thành dự án đúng và vượt tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và cảnh quan môi trường.
Để phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường quan trọng này, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường quan trọng này bằng cách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Tuyến đường này được đưa vào khai thác cùng với các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai và các tuyến quốc lộ được đầu tư cải tạo, nâng cấp thời gian qua trong khu vực sẽ kết nối thông suốt, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo xung lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và cả khu vực Bắc Bộ nói chung; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hướng tới hoàn thiện hệ thống đường cao tốc tại khu vực phía Bắc, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.