Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT
và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về GPMB cao tốc chiều 19/11.
Kiến nghị bố trí thêm vốn GPMB
Báo cáo đoàn công tác, ông Phạm Trọng Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay UBND các huyện đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính xong toàn tuyến; đã hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng sử dụng đất và ban hành thông báo thu hồi đất. Các huyện đang tổ chức thẩm định nguồn gốc đất (giai đoạn xét tính pháp lý cấp huyện) và tổ chức phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư chi tiết cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Hiện các địa phương đã kiểm kê xong 1.216/1.216 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%; đã niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 652/1.216 hồ sơ, đạt tỷ lệ 54%.
Trong tháng 10, tỉnh đã phê duyệt phương án giá đất cụ thể để bồi thường của 5 huyện có tuyến cao tốc đi qua. Để phục vụ dự án, có 2 huyện có nhu cầu xây dựng 2 khu tái định cư ở huyện Ninh Sơn và Thuận Nam với khoảng 52 hộ. Việc xây dựng 2 khu tái định cư đang trong giai đoạn thẩm tra.
UBND các huyện đã chủ động làm việc với Ban QLDA 85 đã hoàn thành xong công tác kiểm đếm hiện trường, khảo sát, lập hồ sơ di dời các công trình điện, nước, viễn thông nằm trong phạm vi GPMB cao tốc. Hiện nay UBND các huyện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các công trình, riêng đối với công trình điện đang trình thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Ông Phạm Trọng Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Thuận kiến nghị sớm tiếp tục bố trí vốn chi trả GPMB vì tiến độ GPMB đang được tăng tốc nhanh so với trước
Cũng theo ông Hùng, công tác giải ngân tổng chi phí bồi thường đoạn qua địa bàn tỉnh khoảng hơn 556 tỷ đồng, đến nay tổng số vốn được giải ngân là 3,689 tỷ (đạt tỷ lệ 2,3%). Trong năm 2019, Bộ GTVT đã bố trí 160,5 tỷ đồng để thực hiện GPMB. Tỷ lệ giải ngân thấp có lý do là các công việc đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục có liên quan.
“Theo kế hoạch thì đến tháng 12/2019 công tác bồi thường của dự án qua địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành. Như vậy việc giải ngân vốn trong năm 2019, trong tháng 12 sẽ đảm bảo vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên với số vốn bố trí hiện nay sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu, do đó kiến nghị Bộ GTVT bố trí thêm nguồn vốn cho công tác GPMB”, ông Hùng kiến nghị.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam cũng cho biết hiện đã hoàn thành các bước đo đạc, kiểm đếm…, đã ban hành thông báo thu hồi đất nên sắp tới sẽ thực hiện nhanh công tác chi trả bồi thường, cần được bố trí vốn kịp thời.
Đại diện Ban QLDA 85 cho biết, thời gian qua Ban đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa trong công tác GPMB. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần sớm được tháo gỡ nên tiến độ giải ngân còn chậm. Thời gian còn lại không nhiều nên Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan sớm hoàn tất các thủ tục để bàn giao mặt bằng.
Chi trả đền bù trước Tết âm lịch
Tại cuộc họp ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, công tác GPMB rất phức tạp, đòi hỏi đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và đảm bảo đúng các quy định. Hiện nay tỉnh đã chỉ đạo các huyện trong tháng 12 phải cơ bản thực hiện việc chi trả bồi thường đền bù cho dân trước Tết âm lịch 2020. Đối với với việc di dời hạ tầng kỹ thuật, đất rừng và các phát sinh, các Sở ngành phải sớm thẩm định hồ sơ báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ.
"Các địa phương cần tập trung cao độ, làm tốt công tác tuyên truyền vận động giải quyết nhanh những vướng mắc triển khai nhanh bàn giao mặt bằng để sớm thi công dự án”, ông Lưu Xuân Vĩnh chỉ đạo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá cao Ban QLDA 85 và địa phương đã nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai dự án.
Theo Thứ trưởng, trong các tuyến cao tốc phía Đông đây là dự án đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nên công tác giải tỏa mặt bằng cũng rất phức tạp. Trong đó khối lượng mặt bằng qua Ninh Thuận rất lớn.
"Trong năm 2019, Bộ GTVT đã bố trí hơn 160 tỷ cho tỉnh thực hiện giải ngân. Tuy nhiên đến nay tiến độ giải ngân còn thấp, bởi vậy chúng tôi mong muốn sự quan tâm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn của lãnh đạo tỉnh trong việc hoàn thiện các thủ tục chi trả tiền bồi thường cho người dân, khẩn trương hoàn thiện thủ tục bàn giao mặt bằng càng sớm càng tốt. Nguồn vốn GPMB luôn đảm bảo sẵn sàng, khi hoàn thiện thủ tục sẽ giải ngân ngay cho địa phương", Thứ trưởng Công khẳng định.