CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Tìm cách khơi thông 2 dự án PPP giao thông vốn ngoại

2017/3/3 10:54

Các nhà đầu tư ngoại, ngân hàng nước ngoài yêu cầu Chính phủ cần cơ chế chia sẻ, bảo lãnh rủi ro doanh thu...


Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chấp thuận một số quy chế đặc thù để triển khai dự án

thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP.HCM

(Trong ảnh: Nút giao thông ngã ba Tân Vạn và ngã tư Vũng Tàu)

Sau nhiều năm nghiên cứu, thậm chí có dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, song đến nay, Dầu Giây - Phan Thiết và dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là hai dự án được chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP vẫn chưa thể triển khai do nhà đầu tư ngoại và ngân hàng nước ngoài e ngại quá nhiều rủi ro.

Nghiên cứu nhiều năm vẫn bị mắc

Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công không cân đối đủ cho nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, việc kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức PPP là tất yếu. Tuy nhiên, đến nay, mới kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn tín dụng cũng chỉ có các ngân hàng trong nước cung cấp. Để tiếp tục thực hiện thành công các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, rất cần cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng từ nước ngoài và kêu gọi các nhà đầu tư ngoại.

"Hầu hết các quốc gia đều có những chính sách khác nhau để hỗ trợ thúc đẩy đầu tư các dự án giao thông PPP. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời sơ tuyển của dự án thành phần 1B, thuộc dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam lại không cung cấp bất kỳ bảo lãnh hay hỗ trợ nào”.

Ông Lim Su Young Trưởng phòng đại diện Công ty TNHH Kumho E&C tại Việt Nam

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, do tính chất phức tạp của hình thức PPP, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài nên Bộ GTVT rất thận trọng, chỉ lựa chọn hai dự án thí điểm để nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ theo đúng thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được triển khai dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2008, còn dự án thành phần 1B, thuộc dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP HCM được triển khai dưới sự hỗ trợ của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).

“Các nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế. Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch. Tuy nhiên, sau khi mua hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Huy nói và cho biết, qua tham vấn, các nhà đầu tư ngoại và ngân hàng nước ngoài đều yêu cầu Chính phủ cần cơ chế chia sẻ, bảo lãnh về rủi ro doanh thu, rủi ro về khả năng chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về tiến độ GPMB,…

Tương tự, tại dự án Dầu Giây - Phan Thiết, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó tổng giám đốc Ban QLDA1 nói: “Đây là dự án được nghiên cứu triển khai theo hình thức PPP. Trong suốt 10 năm qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa thực hiện được do hai vấn đề mấu chốt là bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh tỷ giá hối đoái chưa được tháo gỡ. Các nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn đều đề nghị Chính phủ phải có cơ chế bảo lãnh về doanh thu và tỷ giá hối đoái, nếu không sẽ quá rủi ro đối với họ”.

Tìm lối mở cho dự án PPP thí điểm

Để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, khơi thông nguồn vốn ngoại và triển khai thành công dự án giao thông theo mô hình PPP thí điểm, Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận một số cơ chế đối với dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP.HCM. Một trong những cơ chế quan trọng nhất cho dự án này được Bộ GTVT kiến nghị là việc bảo lãnh rủi ro doanh thu cho nhà đầu tư.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất hai cách thức. Thứ nhất, Chính phủ hình thành quỹ dự phòng tài chính để khi doanh thu giảm không như dự báo trong phương án tài chính thì sẽ dùng khoản này để bù cho doanh nghiệp dự án trả các khoản nợ; Khi doanh thu tăng sẽ trích phần tăng để trả lại quỹ. Thứ hai, lựa chọn một tổ chức tài chính có uy tín cung cấp bảo lãnh thanh toán cho bên ngân hàng cho vay hoặc doanh nghiệp dự án để thanh toán cho doanh nghiệp dự án khi doanh thu giảm và Chính phủ sẽ chịu một khoản phí bảo lãnh cho tổ chức bảo lãnh.

“Để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế bảo lãnh rủi ro doanh thu cho dự án, mức bảo lãnh doanh thu khi số thu thực tế dưới 80% thì bù đủ 80%. Với tính toán lưu lượng đã được đơn vị tư vấn rà soát kỹ thì khả năng doanh thu giảm không như dự báo là khó xảy ra và nếu có thì với giá trị không lớn”, văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ.

Liên quan đến cơ chế GPMB, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ trường hợp chi phí GPMB, tái định cư phát sinh tăng so với dự án đầu tư đã được phê duyệt nhằm thu hút và tạo niềm tin cho nhà đầu tư tham gia dự án. Theo đó, nguồn hỗ trợ có thể thực hiện theo hai phương án: Bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của dự án hoặc sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Cùng đó, Bộ GTVT kiến nghị chấp thuận bảo đảm về rủi ro ngoại tệ do thực tế thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nước ngoài hiện nay, các nhà đầu tư gặp khó khăn khi chuyển đổi lợi nhuận từ tiền Việt Nam đồng sang USD hoặc các đồng tiền khác dẫn đến không đủ nguồn chuyển đổi hoặc có vướng mắc về thủ tục theo quy định của Việt Nam.

“Việc xác định cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ thanh toán các khoản nợ và chuyển lợi nhuận của nhà đầu tư ra nước ngoài để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dự án và tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong quá trình khai thác”, ông Huy nói.

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH