Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, Ninh Bình được hoàn thành đưa vào khai thác từ cuối năm 2012. Sau một thời gian khai thác, trên tuyến đường này đã xuất hiện một số đoạn bị hư hỏng mặt đường bêtông nhựa, hằn lún vệt bánh xe gây mất an toàn giao thông trên tuyến.
Nhiều tuyến Quốc lộ bị lún hằn vệt bánh xe. (Ảnh: TTXVN)
Trên tuyến đường từ Hà Nam-Ninh Bình, tình trạng đường hằn lún vệt bánh xe xuất hiện rất rõ ở đoạn km227-km230, km220-km223, km232+800-km235+885-địa phận Hà Nam; km253-km253+250, km254+250-km254+400-địa phân tỉnh Ninh Bình...
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nam và Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra hiện trường, đề xuất giải pháp khắc phục và triển khai thi công ngay các đoạn mặt đường bị hư hỏng, sơn kẻ vạch trên mặt đường đảm bảo chất lượng, an toàn trong khai thác trước Tết Nguyên đán 2015.
Liên quan đến vấn đề nay, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ 1 bảo trì bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cần thực hiên rà soát, thống kê các hư hỏng nặng (trồi sống trâu, lún vệt bánh xe trên 4cm, sình lún, cao su, ổ gà nếu có) và tình trạng sơn kẻ đường mờ trong phạm vi các đoạn không có dự án xây dựng cơ bản, hết thời gian bảo hành công trình để sửa chữa.
“Cục Quản lý đường bộ 1 thực hiện sửa chữa khẩn cấp các vị trí hư hỏng nặng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tiến độ hoàn thành ngay trong tháng 1/2015. Phần còn lại tiếp tục phân thành các đoạn để sửa chữa và xong trước ngày 11/2/2015 phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết," ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Đề cập đến giải pháp xử lý các hư hỏng trên tuyến đường này, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trường hợp lún sâu có rạn nứt, sình lún, cao su ổ gà và mặt đường hư hỏng nặng thì phải xử lý thay bằng kết cấu mới bền vững. Vị trí lún tạo sống dọc đều và liên tục thì có thể dùng máy cào gọt tạo phẳng mặt đường để giảm chênh cao đảm bảo giao thông, sau đó sơn kẻ mặt đường tổ chức giao thông.
Trước đó, theo kết quả kiểm định chất lượng công trình của Bộ Giao thông Vận tải, ngoài lý do xe quá tải phá hỏng mặt đường thì công tác thiết kế và chất lượng thi công còn nhiều khiếm khuyết về mẫu lớp bê tông nhựa không đạt tiêu chuẩn về thành phần hạt, công thức pha trộn nhựa, nhiều vị trí móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, độ đầm nén...
Để chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục những sai sót trên, đảm bảo và kéo dài thời gian bảo hành từ 3 đến 5 năm đối với những gói thầu này. Trong thời gian bảo hành, nhà thầu thi công phải tự bỏ kinh phí sửa chữa các hư hỏng phát sinh../.
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Đồng Văn-Phủ Lý (Hà Nam, 20,1km), Phủ Lý-cầu Đoan Vĩ (Hà Nam, 15,1km) do Sở Giao thông Vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư. Các nhà thầu xây lắp là Tổng công ty Thành An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô, Công ty sản xuất và xây dựng Thi Sơn...
Đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 13,6km (từ km 258+900 đến km 262+700 và từ km 267+400 đến km 276+884) chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình, nhà thầu xây lắp là doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Nguồn Việt Hùng - Vietnamplus