CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Ký ức không phai về những đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng

2015/4/12 10:52 - Đức Phương

Sự kiện đế quốc Mỹ tăng cường, tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa đến nay vừa tròn nửa thế kỷ (3 và 4/4/1965 - 3 và 4/4/2015). Sử sách còn ghi lại những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta gắn với cây cầu lịch sử, trong đó, Phân đội 3, thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng lực lượng dân quân tự vệ khu vực Hàm Rồng, Nam Ngạn đã trực tiếp chiến đấu, phối hợp, hỗ trợ chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay địch.



Đội dân quân trực chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) luyện tập
bắn máy bay Mỹ, năm 1965. (ảnh tư liệu)
 
Những thanh niên anh dũng một thời nay đều đã ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, có người không còn nữa nhưng nghĩa tình đồng đội, sự gần gũi, yêu thương, gắn bó vẫn còn vẹn nguyên. Bà Ninh Thị Dung là người con của mảnh đất Thiệu Hóa, Thanh Hóa hiện sinh sống tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã không quản ngại đường sá xa xôi về với đồng đội, gặp mặt nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng. 50 năm trước, bà Dung mới 16 tuổi, học sinh lớp 10 trường Tô Vĩnh Diện, thành phố Thanh Hóa. Muốn đóng góp công sức bảo vệ quê hương đất nước, cô học sinh có dáng người nhỏ nhắn, gầy guộc đã xung phong tham gia đội dân quân tự vệ Tiểu khu Hàm Rồng. Khi đó, bà được phân công vào “Đội cứu thương Mắt Rồng”, tăng cường cho đơn vị Phân đội 3, lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tiểu đội của bà có 15 thành viên, gồm 12 nữ và 3 nam, đều là những thanh niên trong Tiểu khu, người ít tuổi nhất là bà, người nhiều nhất cũng chỉ 20 tuổi.
 
Tuổi trẻ, có sức khỏe, lại mang trong mình ý chí chiến đấu quật cường, quyết tâm chiến thắng kẻ thù nên dù trong mưa bom, bão đạn, các dân quân đều không quản ngại hiểm nguy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà Dung tham gia đội dân quân tự vệ ngày 1/4/1965 thì đến ngày 3 - 4/4/1965, lực lượng không quân, hải quân Mỹ đã đánh phá ác liệt cầu Hàm Rồng. Ngay trong ngày đầu giặc Mỹ tăng cường bắn phá 3/4/1965, bà cùng 4 người khác trong đội cứu thương được lệnh băng qua cầu để cứu thương cho chiến sỹ Nguyễn Trọng Khiền bị thương nặng. Khi đó, trên trời máy bay Mỹ gầm rú trút bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng. Dưới mặt đất, bộ đội ta đáp trả ác liệt. Trong giờ phút hiểm nguy đó, bà và các đồng đội vẫn dũng cảm băng qua cầu Hàm Rồng để tiếp cận chiến sỹ bị thương. Khi đến giữa cầu cả đội giật mình sững lại khi phát hiện một quả bom nổ chậm nằm ngay giữa lối đi. Thoáng chút bối rối nhưng không ai bảo ai, tất cả đều xông lên, vượt qua khu vực quả bom nổ chậm để cứu chữa cho chiến sỹ Nguyễn Trọng Khiền và đưa người bị thương về trú ẩn an toàn tại hang Mắt Rồng.
 
Ngày nay sống đầm ấm bên con cháu, bà Dung vẫn dành những tình cảm cho mảnh đất, con người Hàm Rồng - nơi gắn với tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết của mình. Nhiều cảm xúc được bà gửi gắm vào những bài thơ. Trong tập thơ “Trở về ký ức” dành tặng các đồng đội của bà có đoạn viết: Dân quân xóm núi Hàm Rồng. Cứu thương, tiếp đạn trên sông bến cầu. Nhớ ngày chiến đấu cùng nhau. Bắn tàu bay Mỹ giữ bầu trời yên. Dâng lên Đảng, Bác niềm tin. Mùa xuân chiến thắng, tiếng chim gọi bầy. Tỉnh Thanh phấp phới cờ bay. Mừng ngày truyền thống, những ngày sử danh.
 
Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển
 
Cùng những đồng đội khác, ông Nguyễn Trọng Khiền, người được các dân quân cứu thương năm nào nay cũng trở về với Hàm Rồng. Ông Khiền quê huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sau khi nhập ngũ được phân công về Phân đội 3 - bảo vệ cầu Hàm Rồng từ tháng 5/1964. Phân đội của ông có nhiệm vụ ngày đêm canh gác, giữ gìn bảo đảm an toàn chống chiến tranh phá hoại, gián điệp, biệt kích trên bộ, trên sông trong mọi tình huống và tham gia bắn máy bay tầm thấp. Ông kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm không thể quên. Một chiều đầu tháng 4/1965, các trận oanh kích của địch càng lúc càng ác liệt. Khi đang chiến đấu, bỗng có tiếng nổ rền trên đỉnh núi, những tảng đá lăn xuống ầm ầm, có tảng đá to lăn xuống công sự nơi ông đang chiến đấu, ông chỉ kịp ngồi thụp xuống và ngất lịm đi. Ông được các đồng đội kể lại, mũ sắt của ông bị bẹp, súng thì bị cong nòng, gẫy báng. Khẩu súng của ông Khiền sử dụng lúc đó hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
 
Ông Khiển còn kể về một lần phá thủy lôi của địch vào cuối tháng 5/1966. Lợi dụng thời tiết xấu, địch thả thủy lôi phía thượng nguồn sông Mã, tranh thủ dòng chảy để bom trôi xuống phía trụ cầu nổ nhằm phá cầu. Phát hiện một quả thủy lôi trôi xuống cách chân cầu 200 mét và có xu hướng chạm chân cầu phát nổ, đồng chí Nguyễn Xuân Chuẩn, Phân đội trưởng Phân đội 3 Công an nhân dân vũ trang đã giao cho ông Khiển phụ trách cùng các đồng đội phá quả thủy lôi này. Nhận định đây có thể là thủy lôi hẹn giờ nên phát nổ bất cứ lúc nào nhưng ông Khiển và đồng đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bằng sự thông minh, lanh lợi, ông và các đồng đội đã lấy chiếc dây song rừng dài mấy chục mét bị văng ra khỏi bè nứa trúng bom, một đầu buộc vào chiếc dù của quả thủy lôi, một đầu cắm cọc trên bãi cát, giữ được quả thủy lôi tại chỗ và phá hủy quả thủy lôi trong phạm vi an toàn cho cầu Hàm Rồng.
 

50 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng những cống hiến, hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ bảo vệ cây cầu Hàm Rồng ngày nào vẫn còn mãi trong tâm trí người dân Thanh Hóa nói riêng, quân và dân cả nước nói chung. Những hy sinh của họ sẽ mãi là niềm tự hào để các thế hệ con cháu noi theo học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu góp sức mình xây dựng quê hương Thanh Hóa anh hùng. 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH