Từ hơn 100 năm nay, cầu Long Biên đã trở thành một phần của Thủ đô và đất nước Việt Nam bởi những gì nó chứng kiến và tham gia suốt từ khi ra đời cũng như ý nghĩa tinh thần, giá trị biểu tượng mà nó mang lại cho người dân cả nước.
Cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng của sự trường tồn, của vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội.
Cầu Long Biên (Ảnh: Internet)
Thế nhưng, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra ba phương án liên quan đến việc xây mới, bảo tồn cầu Long Biên.
Với phương án 1, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.
Với phương án 2, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
Không lâu sau khi các đề xuất trên được công bố rộng rãi, nhiều nhà văn hóa đã đồng loạt lên tiếng kịch liệt phản đối.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội
Di sản văn hóa Việt Nam nói: "Không nên xử lý như thế! Có nhiều phương án xử lý hay hơn. Giờ ta đang muốn biến nó thành cây cầu lịch sử, một điểm đến du lịch mà lại kiến nghị, đề xuất di dời như thế sao được?!
Các vị chẳng chịu nghiên cứu lại cứ muốn di dời nó. Làm thế là không tôn trọng di sản! Thiếu gì cách để vẹn cả đôi đường? Ta có thể xây một cây cầu mới lui lên phía bắc cũng được cơ mà.
Giữ lại cầu Long Biên không đơn giản để... chơi mà còn là để biến nó thành điểm du lịch. Nhờ thế, nơi đây vẫn có thể giúp Hà Nội "hái ra tiền". Tức là cây cầu nhiều tuổi đó nếu được giữ lại sẽ mang lại cả lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa...
Ngày nó ra đời, cây cầu này rất có thẩm mỹ cả về mặt kiến trúc chứ không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho ngành giao thông".
Đồng quan điểm với PGS. TS Đặng Văn Bài, GS - TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam khẳng định: "Tôi không ủng hộ các đề xuất của Bộ Giao thông vận tải vì cầu Long Biên đã trở thành một di sản, không thể xâm phạm!".
Sai lầm lịch sử lặp lại?
Ông Bền cho rằng, nếu cây cầu được công nhận là di sản văn hóa rồi, muốn động chạm tới phải tuân theo luật di sản. Còn nếu chưa được công nhận là di sản thì cũng nên tôn trọng nó và để nó ở vị trí hiện tại.
"Không bao giờ nên lặp lại bài học sai lầm từ việc phá cầu Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Bộ Giao thông Vận tải từng lệnh phá cầu Hiền Lương. Sau đó, bị dư luận phản ứng dữ dội nên lại phải bỏ tiền ra làm một cây cầu giả đập vào đấy.
Có thể các chuyên gia kinh tế sẽ nghĩ khác, nhưng ở góc độ văn hóa, tôi thấy chẳng có lý do nào cần thiết phải di dời cây cầu Long Biên cả.
Dù thế nào cũng nên xem đó như một di sản văn hóa vật thể. Nó đã tồn tại, lưu giữ, gắn với lịch sử của Hà Nội hàng trăm năm nay rồi thì đừng làm thế", ông Bền nhấn mạnh.
Nói về các đề xuất, góp ý của mình xung quanh vấn đề này, ông Bền cho biết, Phương án mà ông đưa ra là nếu chưa xếp hạng cầu Long Biên là di sản thì phải khẩn trương xếp hạng. Thứ hai là phải tôn trọng lịch sử đã có, nên làm một cây cầu mới ở bên cạnh chẳng hạn. Giờ Hà Nội thiếu gì cầu bắc qua sông Hồng?!
"Các bác cứ nhân danh này nọ xong phá hết đi thì hỏng! Hãy nhớ tới sai lầm trong lịch sử: Phá cầu Hiền Lương. Đừng quên lịch sử ngành giao thông vận tải Việt Nam đã có một bài học đắt giá cách đây chưa đầy 30 năm: Các bác đã phá cầu Hiền Lương - kỷ niệm một thời chiến tranh, chứng tích của một giai đoạn lịch sử...
Nên nhớ dù muốn sáng tạo gì đi nữa cũng phải dựa trên một nền tảng thực tế, phải có cơ sở và phải tôn trọng quá khứ", ông Bền nhấn mạnh.