CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Doanh nghiệp giao thông bứt phá sau tái cơ cấu

2015/1/7 9:52 - Báo GTVT

Sau gần một năm thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), gần như tất cả các doanh nghiệp ngành Giao thông đều làm ăn khấm khá hơn: Doanh thu, lợi nhuận và đời sống người lao động đều tăng trưởng hơn so với trước.


Diện mạo mới của các doanh nghiệp “họ Cienco”

Sau CPH, gần như tất cả các Cienco đều khoác trên mình một diện mạo mới, đầy sức sống với doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng đột phá. Đời sống, việc làm người lao động cùng đó được duy trì ổn định và nâng lên đáng kể.

Thu nhập bình quân của người lao động Cienco 4 tăng 20% sau CPH

Tăng vốn, giảm nợ, lợi nhuận cao

Trong số 11 công ty mẹ - tổng công ty thực hiện CPH trong năm 2014, có đến 7 đơn vị là các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco). Đến 30/6/2014, tất cả các Tổng công ty này đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông lần đầu và hoàn thành đăng ký doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, thông qua CPH, các doanh nghiệp đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đã tăng hơn 17%. Bên cạnh đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm hơn 18%.

“Các doanh nghiệp này được chủ động quyết định toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác tổ chức quản lý doanh nghiệp được công khai, minh bạch hơn nên năng suất lao động đều tăng cao. Doanh thu trung bình tăng hơn 10%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng kỷ lục, lên tới hơn 43%. Thu nhập bình quân người lao động tăng 13% so với trước khi CPH”, ông Minh nói.

Điểm qua kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp “họ Cienco” khi kết thúc năm 2014 dễ dàng nhận thấy sự bứt phá của các doanh nghiệp này sau CPH. Đối với những Tổng công ty được coi là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như: Cienco 1, Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG)… đều thấy sự tăng trưởng cả về vốn chủ sở hữu, doanh thu và lợi nhuận trước thuế so với năm trước.

"CPH các doanh nghiệp ngành GTVT đã huy động được một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, CPH cũng bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động tại doanh nghiệp”.

Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Tổng giám đốc Cienco 1, đơn vị đã thoái 100% vốn Nhà nước cho biết: “Trước đây, Cienco 1 bị bó hẹp thị trường bởi chỉ được tham gia đấu thầu xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước hay một số dự án của JICA. Sau khi thoái 100% vốn và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, Cienco 1 đã có nhiều sân chơi mới, được tham gia đấu thầu xây dựng các dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, sau các phiên đấu giá thành công, Cienco 1 đã thu về số tiền gần 250 tỷ đồng dùng làm nguồn vốn đầu tư cho các dự án mới, mua sắm máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.

Ông Hòa cho biết thêm, bộ máy của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với trước, năng suất lao động cũng không ngừng được cải thiện và thu nhập của người lao động được nâng cao. So với năm 2013, doanh thu năm 2014 của Cienco 1 đã tăng thêm 500 tỷ đồng (tăng 7,3%).

Năm 2014 cũng được coi là năm bản lề của Cienco 4 khi bước vào lộ trình CPH và thoái 100% vốn Nhà nước. Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4: “Trước đây là công ty 100% vốn Nhà nước nên không thể tiếp cận với các dự án rất lớn như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai... do những dự án này sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài như: WB, ADB,... Sau khi thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước, đến nay, Cienco 4 đã có cơ hội tiếp cận với các dự án này. Đây là một lợi thế rất lớn đối với Cienco 4 trong việc mở rộng thị trường mà nhiều năm qua không thể thực hiện được”.

Theo ông Huỳnh, doanh thu của Cienco 4 trong năm 2014 đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2013 (11.488 tỷ đồng), thu nhập của người lao động đạt mức 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 20% so với năm 2013.

Đối với Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), một đơn vị từng ngập trong nợ nần, khiếu kiện và đứng trước nguy cơ phá sản nhưng ngay sau khi CPH cũng đã bắt đầu bứt tốc. Sau CPH, số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã tăng từ hơn 236 tỷ đồng lên 321 tỷ đồng. Doanh thu tăng gần gấp đôi, từ 586 tỷ lên gần 1 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 16,5 tỷ đồng so với 0,66 tỷ đồng của năm 2013…

Điểm qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp giao thông hoàn thành CPH trong năm 2014 như: Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8… hầu hết các chỉ số về doanh thu, sản lượng, lương thưởng đều tăng trưởng so với năm trước. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực đã được chứng minh trong kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau CPH.

Năng suất và thu nhập của người lao động Cienco1 đã được nâng cao rõ rệt sau CPH

Người lao động từ lo lắng đến phấn chấn

Có một thực tế là trước khi tiến hành CPH doanh nghiệp, nhiều cán bộ, CNV - lao động tại các doanh nghiệp khá lo lắng về số phận của mình. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Hầu hết mức thu nhập của người lao động đều tăng lên, đời sống tinh thần và các quyền lợi đều được các “ông chủ” mới bảo đảm.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết, sau khi CPH, toàn bộ nhân sự trước đây của Cienco 4 đều được giữ nguyên, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định. Người lao động được trả lương gắn với năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vai trò của người lao động trong doanh nghiệp CPH cũng có sự thay đổi khi họ vừa làm việc cho công ty cổ phần vừa là chủ sở hữu công ty trên cơ sở đồng vốn góp của mình. Vì thế, ý thức và tinh thần trách nhiệm được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho biết, sau CPH, hầu hết đội ngũ cán bộ, lao động đều được giữ ổn định. Nếu thu nhập trung bình năm 2013 của Tổng công ty là 7 triệu đồng/người/tháng thì năm 2014 đã tăng lên 8 triệu đồng/người/tháng.

Đối với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), sau khi CPH, tất cả các chỉ số phát triển đều vượt so với mục tiêu đề ra. Ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc TLG cho biết: “Đến nay, lực lượng cán bộ, kỹ sư của Tổng công ty cơ bản ổn định. Để tăng tốc trong thời gian tới, chúng tôi đang từng bước tái cơ cấu trong quản trị nên sẽ tập trung việc đào tạo nhân sự để nâng cao năng lực, đảm bảo sự cạnh tranh. Sau CPH, tất cả các chế độ, chính sách và thu nhập của cán bộ và người lao động trong Tổng công ty đều được giữ vững và tăng lên”.

Tại Vinawaco, thời điểm trước CPH, tình trạng mất đoàn kết nội bộ được cho là xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém và thu nhập của người lao động không bảo đảm.

Tuy nhiên, sau khi CPH, với việc đầu tư mạnh mẽ của “ông chủ” mới, hàng loạt trang thiết bị được sữa chữa, mua thêm. Cùng với đó, các dự án cũng được thúc đẩy nên đời sống của cán bộ, CNV Tổng công ty được đảm bảo. Ông Ngô Văn Tuấn, người bỏ hơn 200 tỷ đồng đầu tư vào Vinawaco chia sẻ: “Đến nay, tình trạng kiện cáo trong Tổng công ty đã “tuyệt chủng”. Đời sống cán bộ, CNV được đảm bảo tốt hơn trước. Sau CPH không còn tình trạng nợ lương. Tất cả người lao động đều được trả lương trước ngày 10 hàng tháng, với khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần gấp đôi. Với đà này, chỉ trong vòng 5 năm nữa, Vinawaco sẽ trở lại thời hoàng kim”.

 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH