Khi người ta đang nói về chuyện con đường Trường Chinh cong hay thẳng, cần phải nhắc nhau rằng trong quy hoạch thành phố Hà Nội, đã từng có hơn một lần những logic bị gạt đi.
Đúng 10 năm trước, năm 2004, Hà Nội quyết định xây tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Hàng Đậu. Tượng đài mới, cách một tượng đài cũ mang dòng chữ “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Bà Kiệu khoảng gần 2 cây số.
Hai tượng đài có bố cục và nội dung gần giống nhau, cũng có hình ảnh người chiến sỹ tự vệ thủ đô ôm bom ba càng, hình ảnh tiêu biểu của cuộc Toàn quốc kháng chiến. Thứ khác biệt đáng kể nhất, là dòng chữ ghi trên tượng đài, “Quyết tử để...” và “Cảm tử cho...”.
Đó là kết quả của một sự nhầm lẫn và sửa chữa nhầm lẫn. Trong bức điện mà chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Trung đoàn thủ đô năm 1947, cụm từ “quyết tử để tổ quốc quyết sinh” được sử dụng, rồi sau đó được các chiến sỹ lấy làm lời thề của Trung đoàn. Sau này, dị bản “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” xuất hiện, và không hiểu vì sao được đưa lên tượng đài.
Sau nhiều năm các chiến sỹ của Trung đoàn thủ đô kiến nghị, thành phố Hà Nội xác minh, rồi sửa sai bằng... một tượng đài mới. Cái quá trình sai và sửa sai ấy tạo ra 2 tượng đài na ná nhau cách nhau hơn mười phút đi bộ. Cái quá trình sai và sửa sai ấy, tiêu tốn gần 35 tỷ đồng.
Và cái quá trình sai và sửa sai ấy, vẫn chưa hoàn tất: cuối cùng thì cho đến hôm nay, khi bạn đi qua tượng đài ở vườn hoa Bà Kiệu gần Bờ Hồ, trên đó vẫn là dòng chữ “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” (tức là dị bản) rất lớn dưới đế tượng. Sự tồn tại ấy, với những người nhớ câu chuyện, là một sự trớ trêu, trị giá 35 tỷ đồng.
Có thể hôm nay nhiều người đã quên câu chuyện của 10 năm về trước, dù thời gian đó đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự ngại ngần trước quyết định xây “tượng đài mới”. Thật ra thì trong cuộc sống, chúng ta thường không thể để bụng thứ gì quá lâu, cho dù đó là chuyện thiếu logic đến mức nào. Rồi mọi thứ sẽ được quên đi.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất, một câu chuyện tầm vóc... tượng đài về quy hoạch.
35 tỷ là con số không lớn với ngân sách thành phố; đặc biệt là khi đặt cạnh những bài toán mà có nhà chuyên môn cho rằng lên đến “cả nghìn tỷ đồng” khi uốn cong đường Trường Chinh để tránh nhà của các quân nhân có công.
Có lẽ là một con đường Trường Chinh bị cong sẽ khó quên hơn hai cái tượng đài. Sẽ có hàng vạn người đi qua đó mỗi ngày, và chưa kể đến số kinh phí xây dựng chênh lệch so với việc làm đường thẳng, thì mỗi người đi thêm một mét đường, nhân với hàng triệu, hàng chục triệu lượt người, cũng sẽ tạo ra một sự lãng phí xăng xe cực lớn.
Có lẽ là khó quên hơn, nhưng có lẽ là rồi chúng ta cũng sẽ quên đi sự thiếu logic ở đây như đã từng quên đi hai cái tượng đài. Cuộc sống của chúng ta còn quá nhiều điều vướng bận để giữ mãi những bức bối, trong nhiều ngày cũng khó chứ đừng nói đến nhiều năm.
Rồi chúng ta sẽ quen với một con đường cong. Như đã quen mắt với hai cái tượng đài cách nhau 2 cây số trị giá hàng chục tỷ đồng, vốn cũng là một “con đường cong” của tư duy logic.