Sáng nay (19/1), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị. Chương trình Hội nghị được tổ chức trong buổi sáng và được truyền hình trực tuyến tại 63 đầu cầu truyền hình tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015
Dự Hội nghị Tổng kết năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ GTVT, tại Hà Nội, có đại diện lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ; Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương; các Bộ: Công thương, Xây dựng; các UBND tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái.
Về phía Bộ GTVT, có các đồng chí: Lê Ngọc Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Hồng Trường, Phạm Quý Tiêu, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Thể; Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt; Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ Ban ATGT Khuất Việt Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, trong và ngoài Ngành GTVT cùng tham dự Hội nghị.
Tại các điểm cầu truyền hình trên cả nước, có đại diện lãnh đạo UBND, Sở GTVT, các cơ quan, ban ngành của các tỉnh, thành cùng tham dự.
Một năm thành công, đánh dấu sự phát triển của ngành GTVT trên mọi lĩnh vực
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã báo cáo trước Hội nghị kết quả mà tập thể lãnh đạo cùng cán bộ công nhân viên chức, lao động toàn Ngành GTVT đã đạt được trong năm qua, đồng thời triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của Bộ GTVT.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, năm 2014 là một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta nói chung và ngành GTVT nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, công tác điều hành và triển khai thực hiện quyết liệt từ Bộ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành nên công tác CCHC, cải cách TTHC trong toàn Ngành được xã hội và người dân đồng tình, ghi nhận; chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ vận tải... ngày một tốt hơn; tiến độ thi công các dự án, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp... được đẩy nhanh, bảo đảm hoàn thành đúng, vượt tiến độ đề ra, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đạt được kết quả tốt, hiệu quả hơn; đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm và nâng cao.
“Nhìn chung, năm 2014 là một năm thành công, đánh dấu sự phát triển của ngành GTVT trên mọi lĩnh vực với nhiều kết quả nổi bật”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.
Đồng chí Thứ trưởng cho biết, các kết quả đó thể hiện cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Trước hết, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ có nhiều đổi mới, vừa quyết liệt, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được điểm nhấn để tháo gỡ nút thắt, đem lại chuyển biến rõ rệt trong mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, chủ động trong giải quyết công việc, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương được tăng cường, có hiệu quả trên tất cả các mặt, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc về GPMB, tổ chức thi công các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên…;
Công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, các đề án đã được triển khai tích cực, đã kịp thời phát hiện các văn bản QPPL có quy định bất cập, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tế để khẩn trương sửa đổi, bổ sung; đã tích cực tiếp thu ý kiến các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, nhất là đối với các văn bản liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Kịp thời xây dựng, phê duyệt các đề án cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển GTVT, bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển KT-XH của đất nước. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của Bộ GTVT trong công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về GTVT, kịp thời giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý giữa các phương thức vận tải đã đạt được kết quả bước đầu. Quản lý dịch vụ logistics tiếp tục được chú trọng và phát triển, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013. Việc triển khai các đề án, kế hoạch hành động tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ đã góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giảm thiểu ùn tắc giao thông, kiềm chế TNGT.
Thứ tư, công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành GTVT. TNGT tiếp tục được kiềm chế. Lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết vì TNGT xuống dưới 9.000 người và 3 năm liên tiếp kể từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí. Đội tàu biển Việt Nam đã thoát ra khỏi Danh sách đen của Tokyo-MOU.
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, phát triển nhanh KCHTGT, một trong 3 khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Tiến độ và chất lượng các công trình, dự án đầu tư xây dựng KCHTGT tiếp tục chuyển biến tích cực. Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay hầu hết các công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ vượt yêu cầu, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần, năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010 (năm 2012 đứng vị trí thứ 90, năm 2010 Việt Nam đứng vị trí 103). Công tác huy động vốn ngoài NSNN để đầu tư phát triển KCHTGT tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác giải ngân các nguồn vốn, quyết toán các dự án hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Thứ sáu, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được kết quả tốt. Năm 2014, Bộ đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là thực hiện thành công IPO Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hoàn thành cổ phần hóa 10 Công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã được cải thiện, phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội và người dân ghi nhận. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ, theo sát mục tiêu của đề án tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng, tăng cường, góp phần thúc đẩy kết nối GTVT giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới;
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực GTVT được các cơ quan, đơn vị trong Ngành quan tâm, triển khai; nhất là trong công tác sửa chữa, bảo trì KCHTGT. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành GTVT tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại các dự án, nhất là đối với các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh được chú trọng, tăng cường.
Không chỉ có vậy, công tác CCHC, cải cách TTHC được đẩy mạnh, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật công tác, tăng hiệu quả giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc với các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT.
Ngày 05/9/2014, Bộ Nội vụ công bố Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu về chỉ số CCHC trong khối các bộ, ngành.
Việc tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng một số cơ quan thuộc Bộ đảm bảo công khai, minh bạch và đã đạt được kết quả tốt; việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện phong trào “4 xin” và “4 luôn” trong toàn Ngành đã đạt được kết quả bước đầu, được xã hội và người dân đồng tình, ghi nhận. Công tác xã hội hóa đào tạo, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, học viện thuộc Bộ được triển khai tích cực;
Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng; quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, ATGT, quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; đăng kiểm xe cơ giới; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
Công tác thông tin, truyền thông của Bộ được thực hiện công khai, minh bạch, đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân về các chủ trương, hoạt động, cũng như việc xử lý các vấn đề “nóng” của ngành, được dư luận xã hội và người dân đồng tình, tin tưởng và đánh giá cao.
Các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn Ngành.
Thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế để tìm cách khắc phục
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân mà Ngành GTVT cần phải tập trung nỗ lực tháo gỡ.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ: Bên cạnh các dự án đáp ứng được tiến độ, chất lượng yêu cầu, còn có một số dự án chậm trễ do công tác GPMB, chưa kịp thời bố trí vốn... Một số dự án có những khiếm khuyết về chất lượng như hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường BTN, lún nứt tại Km83 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Nguyên nhân do công tác quản lý chất lượng vật liệu đầu vào chưa tốt, sản xuất và thi công BTN chưa tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, thiết bị thi công lạc hậu, do biến đổi bất thường về địa chất chưa lường hết được... Các tồn tại trên đã được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Công tác đảm bảo TTATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại một số dự án còn hạn chế do biện pháp thi công của nhà thầu chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng và sự thiếu trách nhiệm của một số chủ thể tham gia vào quá trình thi công dự án đã để xảy ra một số tai nạn lao động đáng tiếc như tai nạn tại Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp khắc phục, xử lý;
Công tác kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng xe quá tải hoạt động. Các lực lượng của Bộ GTVT đang tập trung phối hợp với lực lượng công an và các địa phương quyết liệt xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực tại các trạm cân, kiên quyết không để xe quá khổ, quá tải tiếp tục hoạt động.
Công tác an toàn hàng không tuy đã được chú trọng nhưng trong năm 2014, đã xảy ra một số sự cố về an toàn hàng không. Một trong số các nguyên nhân gây ra các sự cố này là do sự thiếu quyết liệt, chưa kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý và năng lực của CBCNV tại một số bộ phận chuyên môn về hàng không còn hạn chế. Bên cạnh đó, là do tình trạng quá tải tại một số cảng hàng không, sân bay. Dịch vụ hàng không đã được cải thiện so với trước đây, tuy nhiên chất lượng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT, Cục HKVN và các cơ quan, đơn vị liên quan đã nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế; tiếp thu các ý kiến của dư luận xã hội, khách hàng... với tinh thần cầu thị, khẩn trương chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục các sai sót và nghiêm khắc xử lý các sai phạm.
Quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, năm 2015 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, là năm với nhiều ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước.
Với phương châm hành động của toàn ngành GTVT năm 2015 là “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, tập thể Lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2015, góp phần cùng cả nước bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, tạo động lực chuẩn bị cho kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tiếp theo 2016-2020 với các chỉ tiêu cụ thể:
Về vận tải: Phấn đấu tăng trưởng bình quân 5% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2014.
Về kế hoạch đầu tư phát triển: Hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 86.636,9 tỷ đồng. Trong đó, NSNN 6.498 tỷ đồng, TPCP 37.708,9 tỷ đồng, ngoài NSNN: 41.980 tỷ đồng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Về bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông: Phấn đấu giảm TNGT ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5%-10% so với năm 2014 trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp: Hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, triển khai thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, để đảm bảo các chỉ tiêu trên, lãnh đạo, CBCNV – LĐ ngành GTVT phải thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2015. Trong đó tập trung chủ yếu vào: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án; Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; Công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông; công tác PCLB&TKCN; Tiếp tục thực hiện năm an toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.Thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định và công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN về ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra; Tiếp tục thực hiện năm kỷ cương, tiến độ, chất lượng, hạ giá thành, giảm suất đầu tư góp phần phát triển nhanh và bền vững hệ thống KCHTGT. Cụ thể phải tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt các công trình, dự án quan trọng của ngành, phấn đấu hoàn thành 115 dự án và khởi công xây dựng 54 dự án. Cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Vũng Áng - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên vào cuối năm 2015. Khởi công, hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống của ngành GTVT theo đúng kế hoạch. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng từ nguồn vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; quyết liệt thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành và xử lý nghiêm các đơn vị chậm trễ. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số. Tập trung hoàn thành đưa vào khai thác 186 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó phải hoàn thành việc quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, thực hiện IPO trong năm 2014. Hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, triển khai thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo đúng mục tiêu, kế hoạch. Tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty thực hiện đề án tái cơ cấu, thoái vốn theo kế hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt tập trung chỉ đạo đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu tài chính đối với Công ty mẹ - Tổng công ty và tái cơ cấu 170 doanh nghiệp thuộc nhóm không giữ lại trong mô hình Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy....
Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế; Công tác đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường; Công tác tổ chức, cán bộ và cải cách hành chính; Công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...